Monday, August 27, 2018

Grab nói sẽ đóng 500 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam năm 2018

 Grab cho biết đã nộp 224 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm và mong muốn cơ quan chức năng có những thông điệp rõ ràng để khách hàng hiểu đúng.
Công ty TNHH Grab Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng để cung cấp thông tin về nghĩa vụ thuế. Grab cho biết trong năm 2017 đã đóng 189 tỷ đồng vào ngân sách.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, hãng này đã đóng số thuế vượt cả năm 2017, đạt mức 198 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.
Grab cho biết sẽ đóng số tiền khoảng 500 tỷ đồng tiền thuế cho kỳ thuế năm 2018. Gần nhất, trong 7 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng số thuế là 224 tỷ đồng tại Chi cục thuế quận 10 (TP.HCM).
Sau khi cung cấp số tiền thuế đã đóng, Grab “than” những khó khăn, vướng mắc tại Việt Nam trong việc nộp thuế. Theo đó, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chưa chính xác, chỉ tập trung vào vấn đề cạnh tranh, nghĩa vụ thuế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Grab noi se dong 500 ty dong tien thue tai Viet Nam nam 2018 hinh anh 1
Trong 7 tháng đầu năm, Grab nói đã nộp 224 tỷ đồng vào ngân sách. Ảnh: VH.
Grab cũng đề nghị nghĩa vụ thuế trong mô hình hợp tác sử dụng ứng dụng điện tử cần được xem xét một cách tổng thể, bao gồm nghĩa vụ nộp thuế của Grab và các đối tác (từ hợp tác xã, các công ty sở hữu xe đến các đối tác tài xế xe 2 bánh) thì mới đảm bảo tính toàn diện.
“Nếu chỉ chọn riêng Grab để so sánh giá trị nộp thuế với các hãng dịch vụ vận tải khác, sẽ có sự khác biệt rất lớn về con số, bởi doanh nghiệp này không sở hữu xe, không khấu trừ khấu hao tài sản, không có hoạt động thanh lý, mua bán xe... Trong khi các doanh nghiệp vận tải được kê khai 100% chi phí mua xe, vận hành, bảo dưỡng và được khấu trừ rất nhiều chi phí đi kèm”, văn bản nêu.
Từ đó, Grab mong muốn Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế kịp thời có những thông điệp rõ ràng và khách quan để người tiêu dùng có quan điểm đúng đắn về hoạt động kinh doanh của Grab.
Trong văn bản của Grab không đề cập đến nghĩa vụ của doanh nghiệp này tới khoản thuế mà Uber đang nợ tại TP.HCM. Theo đó, Uber đang nợ khoảng 53 tiền thuế tại Cục thuế TP.HCM. Sau khi Grab mua lại Uber, hãng này cho biết không liên quan đến khoản tiền thuế trên.
Grab cho rằng đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber. Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, đơn vị phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.

Tướng Pháp: Tập trận chung Pháp - Việt là hoàn toàn có thể

Không quân Pháp hy vọng lần đầu tiên tiêm kích nước này xuất hiện trên bầu trời Việt Nam trong chiến dịch PEGASE sẽ là bước khởi đầu cho quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.
“Chiến dịch PEGASE là chiến dịch mang tính lịch sử trong quan hệ hai nước. Đây là lần đầu tiên từ năm 1954 các máy bay quân sự của Pháp bay trên bầu trời và hạ cánh tại sân bay của Việt Nam”, ông Olivier Sigaud, đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/8.
Không quân Pháp đã huy động 100 thành viên đội bay, do Tướng Không quân Patrick Charaix dẫn đầu. Tại cuộc họp báo, ông chia sẻ phía Pháp đã đề xuất đại diện Việt Nam tham gia bay thử trên máy bay vận tải A400M chiều 27/8.
Tướng Charaix nhận định đây là dịp để Pháp giới thiệu công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm bởi chiến đấu cơ Rafale và máy bay A400M là hai loại thường xuyên được Pháp triển khai trong các hoạt động quân sự.
“Với đại diện các nước mà chúng tôi đến thăm, chúng tôi đều trao đổi về phương hướng hợp tác, giao lưu và đào tạo quân nhân”, chỉ huy chiến dịch PEGASE nói. Trong 2 năm qua, Việt Nam và Pháp đã xây dựng một số chương trình hợp tác trong lĩnh vực huấn luyện, đặc biệt về an toàn bay.
Tướng Charaix nhận định quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước hiện tập trung nhiều vào Hải quân. Do đó, ông hy vọng "chuyến thăm của đội hình máy bay lần này là khởi đầu cho hợp tác Không quân giữa hai nước”.
Tuong Phap: Tap tran chung Phap - Viet la hoan toan co the hinh anh 1
Cuộc họp báo của Không quân Pháp ngày 27/8 có sự tham gia của Chỉ huy chiến dịch PEGASE Patrick Charaix (giữa) và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp Olivier Sigaud. Ảnh: Ngọc Hà.
Về kế hoạch hợp tác trong tương lai, Tướng Charaix cho hay khả năng tập trận chung là hoạt động “hoàn toàn có thể nghĩ tới và bàn bạc”. Bên cạnh đó, hoạt động tương tự chiến dịch PEGASE có thể diễn ra lần nữa vào năm 2020.
Chiến dịch PEGASE (Triển khai Đội hình không quân Tầm cỡ tại Đông Nam Á) ở châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Pháp và Việt Nam kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Đây đồng thời là hoạt động cụ thể hóa mong muốn thúc đẩy hợp tác mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ trong chuyến thăm Pháp chính thức của Tổng bí thư hồi tháng 3.
Đại biện Sigaud cho biết chiến dịch PEGASE còn có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác.
“Việc chọn Việt Nam là một địa điểm triển khai chiến dịch PEGASE thể hiện sự coi trọng mà Pháp dành cho vị thế của Việt Nam”, ông nói.
Phi đội máy bay Pháp ghé thăm Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Ấn Độ trên đường trở về sau đợt diễn tập Pitch-Black tại Australia. Chiến dịch PEGASE diễn ra tại Việt Nam từ ngày 26-29/8.
Tuong Phap: Tap tran chung Phap - Viet la hoan toan co the hinh anh 2
Tiêm kích Rafale của Pháp hạ cánh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 26/8. Ảnh: Tango Nguyễn.
Trước đó, ngày 26/8, dàn máy bay quân sự Pháp đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Phi đội gồm 3 chiến đấu cơ Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135 và một máy bay A310. Rafale hiện là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp.
Trong khuôn khổ chiến dịch PEGASE tại Việt Nam, các thành viên đội bay sẽ gặp gỡ với quan chức địa phương, họp đội hình bay và gặp gỡ các thành viên đội bay của Việt Nam, bay trình diễn, đón tiếp công chúng...

TQ thắt chặt quản lý taxi công nghệ sau 2 vụ hành khách bị sát hại

 Trung Quốc cam kết thắt chặt giám sát đối với ngành giao thông vận tải sau vụ hành khách của ứng dụng gọi xe Didi Chuxing bị cưỡng hiếp và sát hại gây chấn động dư luận.
Ngày 27/8, theo thông cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), nước này sẽ đẩy mạnh cải thiện công tác kiểm soát đối với các hãng xe công nghệ, đồng thời mở rộng cơ chế tín nhiệm xã hội trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội dự kiến ra mắt năm 2020 được xây dựng nhằm đánh giá mức độ tin cậy của công dân qua hành vi trên mạng.
Trước đó, thông cáo của Bộ Giao thông và Bộ Công an cho biết ứng dụng gọi xe Didi Chuxing chịu “trách nhiệm không thể chối bỏ” trong vụ việc nữ hành khách 20 tuổi bị sát hại hôm 24/8.
TQ that chat quan ly taxi cong nghe sau 2 vu hanh khach bi sat hai hinh anh 1
Ứng dụng gọi xe Didi vướng vào hai vụ việc tài xế sát hại hành khách. Ảnh: Reuters.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc chưa hết chấn động với vụ án tương tự hồi tháng 5. Hai vụ việc liên tiếp gây ảnh hưởng tới hình ảnh của Didi, công ty cung cấp dịch vụ xe đi chung lớn nhất thế giới về số lượng chuyến đi và đang dự định mở rộng trên toàn cầu.
Theo Reuters, Didi bắt đầu đình chỉ dịch vụ đi chung Hitch từ ngày 27/8 vì “sai lầm đáng thất vọng”, đồng thời sẽ đánh giá lại mô hình kinh doanh. Theo công ty này, hai giám đốc quản lý cũng đã bị cách chức.
Cảnh sát cho biết Zhong, tài xế 27 tuổi bị bắt ngày 25/8, đã thú nhận hành vi cưỡng hiếp và giết hại hành khách.
Didi khẳng định nghi phạm trước đây chưa từng phạm tội, đã nộp hồ sơ hợp lệ và thông qua nhận diện khuôn mặt trước khi bắt đầu công việc. Dù vậy, trước đó một khách hàng từng khiếu nại Zhong chở cô đến một vùng xa xôi và đi theo cô sau khi xuống xe.
TQ that chat quan ly taxi cong nghe sau 2 vu hanh khach bi sat hai hinh anh 2
Ứng dụng gọi xe Didi trên điện thoại. Ảnh: Getty.
Sau vụ việc nữ tiếp viên hàng không 21 tuổi bị giết hồi tháng 5, Didi đưa ra một loạt biện pháp cải thiện an toàn, bao gồm hạn chế giờ chở hành khách khác giới và thử nghiệm “chế độ hộ tống” cho phép khách hàng chia sẻ lộ trình và điểm đến với các liên lạc khẩn cấp trong danh bạ.
Ứng dụng này cũng gỡ bỏ các chức năng như ảnh đại diện và xếp hạng đối với Hitch, đồng thời cho biết sẽ tăng yêu cầu nhận diện khuôn mặt đối với các dịch vụ khác cũng như thiết kế lại chức năng cầu cứu khẩn cấp.
Tuy nhiên, những vụ việc kinh hoàng liên tiếp đang khiến công ty Trung Quốc đối mặt với làn sóng chỉ trích kịch liệt. Trên mạng xã hội Weibo, chỉ trong sáng 27/8, hơn 5.000 bình luận đã xuất hiện dưới bài đăng xin lỗi chính thức của hãng này.
“Tôi không dám sử dụng Didi nữa”, một người viết.
Dịch vụ đi chung Hitch của Didi cho phép người dùng gọi xe qua điện thoại thông minh và đi chung với một người khác cùng đường. Năm 2016, hãng công nghệ Uber đã nhượng lại việc kinh doanh của họ cho Didi, giúp Didi trở thành nhà cung cấp xe đi chung lớn nhất với 30 triệu lượt khách mỗi ngày. Năm 2017, hãng này có giá trị tới 56 tỷ USD.